Giới thiệu sách

Chủ đề: Biết ơn thầy cô giáo

Chủ đề: Biết ơn thầy cô giáo

Tên sách tuyên truyền: “Những gương mặt giáo dục Việt Nam 2007”

• Thời gian giới thiệu: Các tiết đọc sách 
• Địa điểm giới thiệu: Trong thư viện
• Người giới thiệu: Nhân viên thư viện 
 
      Kính thưa các thầy giáo - cô giáo! Các bạn học sinh thân mến! Bao đời nay dân ta vẫn nói: “Không thầy đố mày làm nên”. Tago - nhà hiền triết thi hào vĩ đại của Ấn Độ cho rằng: “Giáo dục một người đàn ông thì được một con người. Giáo dục một người đàn bà thì được một gia đình. Giáo dục một người thầy giáo thì được cả một thế hệ”. Có lẽ câu nói này đúng với mọi dân tộc, mọi Quốc gia, mọi thời đại, với Việt Nam nơi xứ sở của truyền thống “Tôn sư trọng đạo”, quý thầy- quý cô thì điều đó có ý nghĩa vô cùng to lớn, đã đi vào ca dao dân ca thành ngữ và đi vào lời ru của các bà, các mẹ:
 
“À ơi! Muốn sang thì bắc cầu Kiều
Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy”
 
      Thế hệ học trò của chúng ta hôm nay hãy ngược dòng lịch sử về với cội nguồn, sống lại cùng năm tháng để chúng ta tự hào, phát huy những truyền thống tôn sư trọng đạo của người học trò. Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 đang đến gần, cuốn sách tôi muốn giới thiệu với thầy cô có nhan đề: "Những gương mặt Giáo dục Việt Nam năm 2007" của nhà xuất bản Giáo dục in và phát hành với số lượng 38.000 cuốn. Sách có khổ 24cm. Nội dung của cuốn sách được truyền tải trên 459 trang giấy trắng tinh, cách phối màu hợp lý, hình ảnh được chọn in ngoài trang bìa có sức lôi cuốn người đọc.
 
      Nhân loại đã thừa nhận vai trò của người thầy giáo sánh cùng với người mẹ: "Không có một vĩ nhân, một anh hùng nào trên đời này không qua bàn tay bế ẵm và sự dạy giỗ của bà mẹ thì trên trái đất này không có một vĩ nhân, một anh hùng nào lại không qua bàn tay dìu dắt và sự dạy giỗ của người thầy giáo". Sách được cấu trúc thành hai phần.
 
     Phần một: Khối Giáo dục, bao gồm các bài viết về các tấm gương cá nhân, tập thể thuộc các trường: Mầm non, Tiểu học, THCS, THPT trong hệ thống giáo dục phổ thông. Mỗi đơn vị giáo dục có từ một đến hai bài và sắp xếp theo thứ tự A,B,C.
 
     Phần một: Khối Giáo dục, bao gồm các bài viết về các tấm gương cá nhân, tập thể thuộc các trường: Mầm non, Tiểu học, THCS, THPT trong hệ thống giáo dục phổ thông. Mỗi đơn vị giáo dục có từ một đến hai bài và sắp xếp theo thứ tự A,B,C.    Sang phần hai: Khối đào tạo, bao gồm các bài viết về các cá nhân và tập thể thuộc các trường ĐH, CĐ, THCN...
 
     Từ những mái trường, các thế hệ học trò lớn lên về thể chất và tinh thần, về kiến thức khoa học và phẩm chất đạo đức, về ước mơ lý tưởng và đạo làm người. Ai đã từng đi qua thời học trò chắc cũng đều biết về sự cống hiến thầm lặng của những người thầy giáo, cô giáo - sự hy sinh thầm lặng của cả một đời người để trồng cho đời những bông hoa rực rỡ, tạo nên những ngôi sao lấp lánh toả sáng trên khắp mọi miền. Đúng vậy, nói tới vị trí xã hội và vai trò người thầy giáo, Nguyễn Trãi đã viết: "Người thầy giáo không những dạy chữ mà còn dạy đạo lý làm người".Trang sách được mở ra "Những gương mặt Giáo dục Việt Nam năm 2007" sẽ đưa bạn đọc đến với cô giáo Triệu Thị Kim Bình, người dân tộc Tày, 30 năm dạy môn Lịch sử ở trường THPT Ngô Sĩ Liên, tp. Bắc Giang. Với sự tự học sáng tạo liên tục cô đã "thắp lửa" nơi con tim và khối óc của các em học sinh thân yêu hiếu học.
 
     Hay trên mảnh đất Quảng Bình quê hương thân yêu, các em sẽ tự hào hơn vì có một ngôi trường "giữ gìn một Thương hiệu" của trường Tiểu học số 1 Nam Lý. Trường được mệnh danh là "trường chất lượng cao". Ý thức được "thương hiệu" của mình trên vùng đất đầy nắng gió thiên tai bão lũ nhưng thầy và trò nơi đây đang tự mình vươn lên để giữ gìn và nâng cao vị thế của ngôi trường nơi thành phố trẻ Đồng Hới hôm nay.
 
    Đọc đến khối Đào tạo, chúng ta hãy đến với Học viện Quân Y, nơi lần đầu tiên trong nước thực hiện thành công ca ghép gan trên người, dưới sự chỉ đạo nghiên cứu khoa học của Trung tướng PGS. Phạm Gia Khánh. Sự thành công ấy như thế nào? các thầy cô tìm đọc sẽ hiểu hơn vấn đề này.
 
     Mỗi trang sách được mở ra các thầy cô sẽ có dịp làm quen với em Trần Thị Hồng Thắm bị teo hai chân khi 4 tuổi, là chị cả trong gia đình có 6 chị em, cha mẹ nghèo khó, em đã vượt lên muôn vàn khó khăn để thị đậu vào trường Đại học Cần Thơ. "Học giỏi để đền đáp công ơn ba mẹ và phục vụ xã hội" đó là một ước mơ giản dị của một sinh viên nghèo hiếu học. Nghị lực của Thắm ra sao? Đọc sách thầy cô và các em sẽ hiểu thêm về nghị lực phi thường của Thắm.
 
     Lật giở từng trang sách với cách viết lôgic, sữ dụng từ ngữ rõ ràng dễ hiểu giúp thầy cô và các em dễ nhớ, dễ cảm nhận được từng câu chuyện. Cứ sau mỗi trang giấy trắng tinh, một tâm hồn, một số phận được hé mở dần ra. Mỗi cuộc đời không ai giống ai nhưng họ có chung một lý tưởng đó là đào luyện tâm hồn, đào tạo lớp lớp thế hệ trẻ, lớp sau kế tiếp lớp trước bước vào đời xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc. Sẽ còn - rất nhiều bài viết mang đầy tâm huyết nghề giáo mà tôi chưa nói hết... Mỗi “chuyến  đò trí tuệ” ấy đưa lớp lớp thế hệ học trò “qua sông” như thế nào? Sự nỗ lực của mỗi nhân cách và tâm hồn cao thượng ra sao? Câu trả lời đang chờ đón  thầy cô và các em.
 
     Tiếp tục thực hiện cuộc vận động "Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học sáng tạo" và phong trào thi đua "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực", tạo môi trường giáo dục lành mạnh thân thiện để các em "mỗi ngày đến trường là một ngày vui". Đó cũng là nội dung của cuốn sách mà Bộ GD&ĐT muốn đem đến cho hàng vạn con người trên đất nước biết đến Tổ quốc chúng ta có những bông hoa thơm rạo rực như thế.
 
     Qua buổi giới thiệu sách này có một điều mà các bạn học sinh cần biết và quý trọng đó là dưới mái trường thân yêu, các bạn sẽ được các thầy - các cô truyền thụ những kiến thức vô giá, dìu dắt dạy giỗ các bạn thành người. Một giờ học tốt hôm nay sẽ là món quà ý nghĩa thiết thực, là niềm vui, là động lực thúc đẩy các thầy, các cô thắp lên ngọn lửa yêu ngành, yêu nghề. Các bạn học sinh hãy làm con ngoan trò giỏi để xứng đáng là những mầm xanh tương lai, làm chủ đất nước. Tuổi học trò tinh nghịch của mỗi người rồi cũng qua đi. Phải chăng, quá khứ là những kỷ niệm của đời người nhưng kiến thức hiện tại trong bài giảng hôm nay sẽ là hành trang vững chắc cho các bạn tiếp bước vào đời. Hy vọng một học trò còn mắc phải những sai lầm sẽ trưởng thành hơn nếu biết nói lời hối lỗi và làm nhiều việc tốt. Trái tim nhân ái, bao dung của các thầy cô giáo luôn rộng mở tha thứ và trao cho các bạn kho tàng tri thức vô giá nhất.
 

         Phó Hiệu trưởng                                                         Người viết

 

 

 

       Vũ Thị Thanh Hiền                                          Nguyễn Thị Quỳnh Trang

 

 

 

 

 

 

Tên sách tuyên truyền: “ Tôt-tô-chan cô bé ngồi bên của sổ”

• Thời gian giới thiệu: Các tiết đọc sách 

• Địa điểm giới thiệu: Trong thư viện

• Người giới thiệu: Nhân viên thư viện
 
     Không giống những cuốn sách giáo dục khô cứng thông thường, “Tôt-tô-chan cô bé bên cửa sổ” là tập hợp những câu chuyện xinh xắn đáng yêu trong kí ức của cô bé Totto-chan tại ngôi trường Tomoe- vốn kì lạ trong mắt người lớn, nhưng lại cực kì tuyệt vời với trẻ thơ. Đọc cuốn sách, chúng ta bật cười trước sự hồn nhiên và ngộ nghĩnh của Totto-chan; cảm phục thầy hiệu trưởng Kobayashi nhân hậu và tâm huyết; đồng thời có cơ hội suy ngẫm về phương pháp giáo dục hướng đến sự phát triển tự nhiên cho trẻ thơ.
 
Thiên nhiên mang lại niềm vui
     Cuốn sách mở đầu bằng việc Totto-chan bị đuổi học chỉ sau vài ngày đến lớp. Cô giáo phàn nàn bởi Totto-chan liên tục đóng mở nắp bàn gỗ gây ồn, gọi gánh hát rong đi qua vào chơi, hay đứng cạnh cửa sổ nói chuyện với đôi chim nhạn… Có thể thấy, Totto-chan là một cô bé hiếu động đặc biệt, khó hòa hợp với mô hình trường học truyền thống.
 
     Thế nhưng ngày đầu tiên đến Tomoe, khi nhìn thấy 6 toa tàu cũ được tận dụng làm phòng học, Totto-chan đã reo lên vui sướng: “Con rất thích trường này!”. 
     Sáng hôm sau, thay vì để mẹ phải gọi như mọi khi, em dậy sớm, tự mặc quần áo và đeo cặp sách. Quả thực, nếu ngôi trường nào cũng nằm trên những toa tàu, giữa hàng cây xanh và những thảm hoa rực rỡ như Tomoe thì em bé nào cũng thích đến trường!
 
Thúc đẩy óc sáng tạo
     Vào giờ ăn trưa, thầy Kobayashi thường nhắc cha mẹ chuẩn bị cho các con “những thức ăn của biển và của núi”. Thầy thường đến kiểm tra từng hộp cơm và hỏi các em, nếu ai đó băn khoăn về món ăn của mình, thầy sẽ đứng giữa phòng và giảng giải.
 
    Thông qua bữa trưa vui vẻ, các em sẽ học được nhiều kiến thức bổ ích về sản vật thiên nhiên, thúc đẩy khả năng tư duy và phán đoán; đồng thời cũng hào hứng và ngon miệng hơn rất nhiều. Hẳn người mẹ nào đọc đến đây cũng muốn chuẩn bị một bữa cơm thật ngon và cùng con khám phá món ăn nào từ biển, món ăn nào từ núi, phải không nào?
 
Tạo lập tinh thần trách nhiệm
 
    Một hôm, thầy hiệu trưởng giới thiệu “thầy giáo nông nghiệp” chính là bác nông dân làm ruộng ở gần suối mà các em yêu mến. Thầy hướng dẫn các em làm cỏ, đánh luống…, giảng giải nhiều điều lý thú về sâu bọ và thời tiết.
 
    Các em đổ mồ hôi lã chã khi trồng xong thửa ruộng và hàng ngày chia nhau đi thăm đồng để báo cáo với thầy, vui sướng thấy những hạt giống tự tay mình trồng đã mọc mầm. Đây là một bài học rất bổ ích, khi trẻ đổ mồ hôi gieo trồng thì mới biết trân trọng công sức của người lao động và tôn trọng thiên nhiên.
 
    "Tôt-tô-chan cô bé bên cửa sổ" thực sự là một cuốn sách đáng đọc cho những người đang làm giáo dục hay những người đã và đang làm cha mẹ. Chúng ta hãy học tập tinh thần của người Nhật để định hướng cho trẻ gần gũi, bởi mục đích cuối cùng của nền giáo dục là giáo dục trẻ em thành con người có nhân cách.
 
    Cuốn sách “Tôt-tô-chan cô bé bên cửa sổ” của tác giả Tét-su-kô ku-ro-y-a-na-gi là cuốn sách đã gây tiếng vang lớn không chỉ ở Nhật Bản mà còn trên toàn thế giới. Và cuốn sách này đang có trong thư viện của trường mình đấy, các bạn hãy tìm và đọc nhé.
 

        Phó Hiệu trưởng                                                         Người viết

 

 

 

       Vũ Thị Thanh Hiền                                          Nguyễn Thị Quỳnh Trang