Tên sách tuyên truyền: “Bài học yêu thương của thầy”
Bạn đọc thân mến!
Tục ngữ có câu “Không thầy đố mày làm nên” hay “Ơn cha, nghĩa mẹ, công thầy”, điều này cho thấy người thầy có vai trò rất quan trọng trong cuộc sống của chúng ta. Suốt cả cuộc đời chúng ta đâu đó luôn luôn có bóng dáng của các thầy cô. Thầy cô không chỉ dạy dỗ cung cấp cho chúng ta những kiến thức, tri thức khoa học mà còn giáo dục ta hình thành nhân cách của con người, nhân cách đó tạo nên hành vi, ứng xử, giao tiếp trong môi trường xã hội.
Nhớ lại ngày xưa lúc tôi đang còn học tiểu học, thầy cô đã kể cho tôi những câu chuyện bổ ích trong giờ đạo đức, mà những câu chuyện đó được lấy ra từ cuốn sách “Những tâm hồn cao thượng” mà giờ đây tác giả Mai Hương và Vĩnh Thắng đã lược dịch lại với tên “Quà tặng cuộc sống” với hơn 50 mẫu chuyện và tác giả đã đặt tên cho cuốn truyện là “Bài học yêu thương của thầy”.
Mỗi câu chuyện trong cuốn sách “Bài học yêu thương của thầy” là một bài học quý giá và là hành trang giúp ích cho chúng ta trong cuộc sống thường ngày.
Đúng vậy, khi đọc câu chuyện “Cách lấp đầy cuộc sống” bạn đọc sẽ thấy được bài học của thầy chỉ bằng chiếc bình rỗng, một hộp sỏi, một hộp đậu đỏ và một hộp cát đã cho chúng ta biết chọn lựa những gì quan trọng nhất trong cuộc sống của chúng ta để lấp đầy cuộc sống và đừng bao giờ tự mãn với những gì mình đã có mà hãy cố gắng vươn lên nữa.
Hay câu chuyện “Viên gạch nhỏ”, người thầy đã cho chúng ta thấy trong học tập có môn chính, môn phụ nhưng mai sau khi vào đời môn phụ như “một viên gạch nhỏ” cũng sẽ làm cho bản thân mỗi người hoàn hảo hơn.
Câu chuyện “Hãy theo đuổi ước mơ của mình”, khi thầy giáo cho bài văn của một học sinh điểm 1 về đề tài “Lớn lên em muốn làm nghề gì” và sau đó thầy giáo gọi em học sinh lên và nói nếu em sửa lại bài văn tôi sẽ sửa điểm lại cho em, và em học sinh sau khi suy nghĩ đã trả lời: Thầy có thể giữ điểm 1 của thầy còn em sẽ giữ ước mơ của em. Kết quả sau này em học sinh đó đã trở thành chủ một trang trại nuôi ngựa và huấn luyện ngựa nổi tiếng.
Câu chuyện “Đôi tai của tâm hồn” kể về một em học sinh nữ bị thầy loại ra khỏi dàn đồng ca của lớp vì em hay mặc áo quần bẩn. Cô bé tự hỏi phải chăng vì mình hát dở quá. Buồn quá cô bé ra công viên ngồi hát một mình, cứ hát đến bài này rồi đến bài khác. Có một ông lão đã khen cô bé hát hay quá. Hôm sau, cô lại đến công viên ngồi hát và ông cụ lại khen cô bé hát hay. Nhiều năm như vậy trôi qua, cô bé trở thành ca sĩ nổi tiếng. Cô gái đến công viên và tìm ông cụ nhưng chỉ có chiếc ghế trống không. Một người thấy vậy mới nói là ông cụ đã qua đời và ông ấy đã bị điếc hơn 20 năm nay rồi. Cô bé ngẩn người và chợt hiểu sự động viên khích lệ đã giúp con người có thể phát huy hết khả năng và giá trị của chính mình.
Hay có những câu chuyện khuyên chúng ta không nên ngạo mạn, tự cao như: “Ba người thầy”, “Không đáng tự hào”… kể về một triết gia nổi tiếng khi vào nhà thờ thấy một đứa bé thắp một cây nến đặt trong đền thờ và ngạo nghễ hỏi đứa bé: Con đã thắp ngọn nến vậy con có biết ánh sáng từ đâu đến không? Cậu bé không trả lời mà mỉm cười và thổi tắt ngọn nến rồi hỏi lại: Ngài thấy ánh sáng đã biến mất vậy ngài biết ánh sáng đã đi đâu không? Từ đó vị triết gia mới ngộ ra được và bỏ đi cái tính ngạo nghễ của mình.
Và còn nhiều câu chuyện cảm động giúp chúng ta biết cách sống, biết cách ứng xử và biết thương yêu.
Nhân cách sống không chỉ là khoa học mà còn là nghệ thuật sống, sống biết yêu thương, sống vì mọi người và cả cho bản thân sẽ giúp chúng ta vượt qua mọi chông gai, thử thách trong bước đường đời của mình.
“Bài học yêu thương của thầy” trích từ “Quà tặng cuộc sống” là những câu chuyện về nghệ thuật sống, đọc nó ta sẽ cảm nhận được nhiều điều bổ ích trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta.
Người viết
Nguyễn Thị Quỳnh Trang