Giới thiệu sách

Chủ đề: Kỉ niệm 77 năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam

Chủ đề: Kỉ niệm 77 năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam

 

Tên sách tuyên truyền: “Tôi kể em nghe chuyện Trường Sa ” của thượng úy Nguyễn Xuân Thủy
♦ Địa điểm giới thiệu: Website trường
♦ Người giới thiệu: Nhân viên thư viện
 
Bạn đọc thân mến!
     Lòng yêu nước, tinh thần tự chủ và bất khuất từ bao đời nay đã trở thành truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta, thấm sâu vào tình cảm tư tưởng của đồng bào ta, tạo nên sức mạnh thần kỳ để nhân dân ta chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược. Ngày nay, đất nước ta đang hòa bình, dân tộc ta đang độc lập nhưng bờ cõi nước ta một số nơi vẫn chưa yên. Đặc biệt trên biển Đông, nơi cửa ngõ của Việt Nam, ở đó quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đang bị tranh chấp, nhòm ngó và đe dọa.
     Nhân kỉ niêm 77 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam cô xin giới thiệu cuốn sách: “Tôi kể em nghe chuyện Trường Sa” của Thượng úy Nguyễn Xuân Thủy - một nhà văn trẻ đang công tác ở Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam, được NXB Kim Đồng phát hành mùa hè năm 2011, đạt giải vàng tại Lễ trao giải thưởng sách Việt Nam lần thứ 8 năm 2012 do Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức ngày 23-12 nhằm tôn vinh những tác phẩm hay, tác giả tâm huyết, nhà xuất bản …..
     Tôi kể em nghe chuyện Trường Sa” là món quà của Thượng úy Nguyễn Xuân Thủy dành tặng bạn đọc nhỏ tuổi trong cả nước.
     Trong tác phẩm "Tôi kể em nghe chuyện Trường Sa" anh đã tự sắm vai người dẫn đường trong hải trình dài gần 1.000km để đưa người đọc đến với vùng biển đảo xa xôi của Tổ Quốc, chỉ dày 90 trang, khổ 14,4x20,5cm nhưng không hề bỏ lỡ điều gì đặc biệt về nơi xa xôi ấy. Chuyến du lịch đặc biệt qua trang sách được chia làm 6 phần chính gồm: Ra đảo – Mùa biển lặng – Mùa biển động – Kì thú biển trời Trường Sa – Thám hiểm đáy biển Trường Sa – Những người giữ đảo.
     Ra đảo là những bước làm quen với hành trình từ đất liền ra Trường Sa. Các bạn phải làm quen với bến cảng, tàu, neo, các chú thủy thủ, giấc ngủ trên tàu, bữa ăn trên tàu... và... say sóng. Những chuyện ấy tưởng chẳng có gì mới mẻ đối với nhiều bạn đã từng được đi tàu thủy. Nhưng mà khác lắm, lạ lắm, vì đây là tàu thủy ra Trường Sa mà! Ấy là chưa kể trên hải trình ra Trường Sa, các bạn còn được nhìn thấy những chú cá biết bay, những chú cá heo thân thiện... và đặc biệt là cảm giác “say đất” khi đặt chân lên đảo.
     Ở Trường Sa, Mùa biển lặng khác với Mùa biển động và Nguyễn Xuân Thủy đã có nhiều câu chuyện cụ thể với những miêu tả tỉ mỉ về hai mùa biển này. Sóng và cát, cây bàng quả vuông và “cây bàng thường”... rồi cây phong ba, cây bão táp. Không phải ngẫu nhiên mà người ta đặt cho cái tên “cây phong ba, cây bão táp” để mỗi loài cây ấy là một câu chuyện nhỏ hấp dẫn. Phải chăng những con người nơi đây đã từng vật lộn với sóng to, gió lớn giữa muôn trùng biển khơi. Và họ cũng thấm thía cái nắng, cái gió, cái mặn mòi của biển khơi nghìn trùng để đặt tên cho loài cây mang đầy ý nghĩa biểu tượng ấy “cây phong ba như một con mắt nhìn âu yếm…từng chùm hoa lốm đốm như điểm tụ cho từng phiến lá khiến chúng mềm mại mà vẫn giữ được vẻ quân tử hiên ngang đứng giữa biển trời. …vẫn kiên cường chống chọi bão giông.”Còn cây bão táp qua mỗi mùa gió muối là lá cây bị táp nhưng phần gốc vẫn tiềm tàng một sức sống…”.Rồi những chú ỉn, những anh bạn gâu gâu... và cả những chú bồ câu nữa, cuộc sống trên đảo nổi, đảo chìm và nhà giàn...trong mùa biển lặng thật “lãng mạn”. Nhưng vào mùa biển động, bốn bề dựng sóng bạc đầu. Gió táp như xát muối và thương nhất là những vườn rau - đúng hơn là những chậu rau, khay rau, và cái Tết ở Trường Sa không thể đầy đủ như ở đất liền. Nơi đây thiếu thốn cả về vật chất lẫn tinh thần. Những món quà từ đất liền là nguồn cổ vũ lớn lao cả về vật chất lẫn tinh thần đối với những người lính trên đảo Trường Sa đang ngày đêm bảo vệ tổ quốc.
     Trời biển Trường Sa còn nhiều cảnh vật, hiện tượng kỳ thú mà chỉ những người gắn bó thường xuyên với quần đảo mới được chứng kiến. Ấy là những chiếc “vòi rồng” như quái vật, những chiếc cầu vồng lộng lẫy bắc qua biển, những sắc màu nước biển biến ảo theo thời tiết v.v..
     Dưới đáy biển Trường Sa cũng có muôn vàn kỳ thú. Ấy là những đàn cá muôn loài muôn sắc và hình thù thì vô cùng ngoạn mục. Những chú tôm kềnh càng đủ cỡ. Nhưng loài ốc “vừa đẹp vừa ngon” không vùng biển nào có được... Rồi những “thím sò” trầm tích đáy biển, những chú vích khù khờ chậm chạp và hiền lành...
     Nhưng hấp dẫn hơn cả vẫn là những câu chuyện về những người đang ngày đêm canh giữ biển đảo và những người dân Trường Sa đang ngày đêm lao động sản xuất xây dựng huyện đảo giàu đẹp. Ở Trường Sa không chỉ có các chú bộ đội hải quân mà còn có các chú bộ đội công binh, ra-đa, cao xạ, cảnh sát biển... Nhân dân Trường Sa không chỉ có ngư dân mà còn có cán bộ thủy văn, khí tượng, giáo viên …và những công dân tí hon tuổi mẫu giáo, tiểu học. Và những câu chuyện thường ngày ở đảo của họ thì nhiều vô kể và thú vị vô cùng...
     Cuốn sách mang Trường Sa xích gần hơn với cuộc sống ở đất liền, để các độc giả nhí thêm yêu hơn mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc. Cuối cuốn sách, nhà văn còn dặn các độc giả nhớ viết thư cho các chú bộ đội theo địa chỉ ghi sẵn: “Kính gửi các chú bộ đội Trường Sa - Tỉnh Khánh Hoà”, bởi việc nhận thư đối với các chú bộ đội là một niềm vui rất lớn.
     Vâng! Ít có nhà văn nào hiểu được tận tình nơi đầu sóng ngọn gió như Nguyễn Xuân Thủy. Chẳng phải chính anh đang viết về một phần cuộc đời mình? Song đem cái từng trải đó để kể lại cho các em nhỏ thì lại khác. Cái khó là làm sao để người ta cũng cảm nhận được như mình, nhất là với các tâm hồn nhỏ bé. Nhưng anh đã thành công với lời văn chân thành và mộc mạc, không màu mè, hoa mỹ, không tô vẽ như chính cuộc đời người lính. Đứng ở góc độ chủ quan tôi cho rằng, không chỉ các em nhỏ mà người lớn, những bạn bắt đầu tìm hiểu về Trường Sa đều có thể đọc cuốn sách này để có những kiến thức cơ bản về một phần lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.
     Bảo vệ vững chắc Tổ Quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, đảm bảo sự tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ cả trên đất liền, trên biển, trên không, ngăn ngừa mọi nguy cơ xâm lăng từ bên ngoài, là nhiệm vụ của mỗi người dân Việt Nam, của Nhà nước Việt Nam. Từ bao đời nay, ông cha ta đã đổ bao công sức và cả máu xương để giữ gìn, bảo vệ các vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc. Ngày nay, chúng ta cần vận dụng sáng tạo những bài học lịch sử, kết hợp sức mạnh dân tộc vào thời đại để tiếp tục khẳng định chủ quyền không thể chối cãi của Việt Nam ở Hoàng Sa và Trường Sa, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của Tổ quốc đúng như lời dạy của chủ tịch Hồ Chí Minh: “Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng. Ngày nay, ta có ngày, có trời, có biển. Bờ biển ta dài, tươi đẹp. Ta phải biết giữ gìn lấy nó”.
     Cuốn sách “Tôi kể em nghe chuyện Trường Sa” hiện đang có trong thư viện trường, mời các em tìm đọc, chúc các thầy cô và các em mạnh khỏe, có một tuần làm việc tốt. Hẹn gặp lại các thầy cô và các em trong buổi giới thiệu, tuyên truyền sách lần sau.
 
               Ban giám hiệu                                                                                                                                                                                                                       Người viết
 
 
 
          Trần Thị Lan Hương                                                                                                                                                                                                      Nguyễn Thị Quỳnh Trang