Chủ đề: Chào mừng Ngày nhà giáo Việt Nam 20-11
Tên sách tuyên truyền: “Thầy giáo Nguyễn Thất Thành ở trường Dục Thanh”
♦ Thời gian giới thiệu: Tháng 11
♦ Địa điểm giới thiệu: Website trường
♦ Người giới thiệu: Nhân viên thư viện
Chủ tịch Hồ Chí Minh – vị cha già kính yêu của dân tộc, từ buổi thiếu thời ra đi tìm đường cứu nước cho đến khi vào cõi vĩnh hằng, Người đã cống hiến trọn đời cho cách mạng, cho nhân dân. Với bìa sách màu nâu giản dị, gợi cuộc đời thầm lặng đầy gian khổ hi sinh của Bác. Cuốn sách: "Thầy giáo Nguyễn Tất Thành ở trường Dục Thanh"của nhà văn Sơn Tùng đã đưa người đọc trở về quãng thời gian Bác Hồ đi từ Huế vào Nam (khi đó Người mang tên là Nguyễn Tất Thành) dừng chân dạy học ở trường Dục Thanh (Phan Thiết - Bình Thuận ngày nay).
Cuốn sách chỉ dày 99 trang, với kích thước 13cm x 19cm do Nhà xuất bản Kim Đồng ấn hành nhưng qua đó, độc giả sẽ cảm nhận rõ tâm tư, tình cảm của chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành khi đất nước đang trong vòng nô lệ. Đặc biệt, cuốn sách đã tái hiện sinh động hình ảnh thầy giáo Nguyễn Tất Thành với phương pháp dạy học truyền cảm hứng, khai mở cho các em học sinh những hiểu biết về lịch sử dân tộc, tình yêu Tổ quốc, hun đúc ý chí và rèn luyện nhiều kĩ năng trong cuộc sống.
Cuốn truyện:"Thầy giáo Nguyễn Tất Thành ở trường Dục Thanh" mang lại cho độc giả những hiểu biết về thời trẻ của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước khi Người rời bến cảng Nhà Rồng để ra đi tìm đường cứu nước. Và người đọc không chỉ thấy rõ những trở trăn của người thầy giáo trẻ tuổi Nguyễn Tất Thành trước nỗi đau dân tộc mà còn biết được nỗi đau đáu của một người cha khi “nước mất, nhà tan…”. Từ đó, ông giục con nuôi chí lớn lên đường, vượt qua mọi khó khăn, thử thách để “tìm đường đi cho dân tộc đi theo”.
Chỉ với trăm trang viết nhưng quả thực nhà văn Sơn Tùng đã gây ấn tượng đậm nét khi khai thác quãng thời gian đáng nhớ trong cuộc đời của Bác. Bằng cái tâm sáng, nhiệt thành, cùng ngòi bút đầy cảm xúc, có sức lay động tình nhân ái, ông đã viết nên một tác phẩm thật sinh động về thời trẻ của Bác Hồ. Được biết để viết nên tác phẩm một cách chân thực nhất, nhà văn đã tìm gặp các anh, chị của Bác, thu thập được nhiều tư liệu quý giá. Tác giả cũng lần theo những đầu mối ấy đến những nơi Bác Hồ từng sống, học tập, dạy học, làm việc, gặp gỡ những người cùng thời với Bác để thu thập tư liệu một cách trách nhiệm như một người làm công tác khảo cổ học.
Với tập truyện:“Thầy giáo Nguyễn Tất Thành ở trường Dục Thanh”, nhà văn Sơn Tùng sẽ giúp độc giả chúng ta hiểu rõ thêm về gia đình, nguồn cội, bối cảnh xã hội đã hun đúc nên một nhân tài kiệt xuất của dân tộc, một danh nhân văn hóa thế giới – Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Người viết
Nguyễn Thị Quỳnh Trang