Y tế

Ðể ghi nhớ công lao của người sáng lập Phong trào, ngày sinh của Henry Dunant (8/5) đã được lấy làm Ngày Chữ thập đỏ quốc tế.

Năm 2022 đánh dấu kỷ niệm 159 năm ra đời phong trào Chữ thập đỏ- Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế (1863-2022). Tính đến nay, đã có 192 Hội Chữ thập đỏ/Trăng lưỡi liềm đỏ quốc gia trên thế giới là thành viên của Phong trào, thực thi các hoạt động nhân đạo khắp các châu lục, thực sự trở thành xu thế phát triển tiến bộ trên toàn cầu.

 

Phong trào Chữ thập đỏ - Trăng lưỡi liềm đỏ Quốc tế gồm 3 thành phần là Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế (ICRC), Hiệp hội Chữ thập đỏ- Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế (IFRC) và Hội Chữ thập đỏ/Trăng lưỡi liềm đỏ các quốc gia. Trong suốt 159 năm hoạt động, Phong trào cam kết luôn mang sự hỗ trợ nhân đạo phù hợp và kịp thời, không phân biệt đối xử tới các cộng đồng dễ bị tổn thương. Với các nguyên tắc cơ bản của Phong trào: “Nhân đạo, Vô tư, Trung lập, Độc lập, Thống nhất, Tự nguyện và Toàn cầu”, Hiệp hội Hội Chữ thập đỏ và Trăng Lưỡi liềm đỏ quốc tế đang hoạt động vì cộng đồng tại 192 quốc gia, mỗi năm trợ giúp hơn 160 triệu người thông qua các hoạt động nhân đạo. Các tình nguyện viên và cán bộ của Hội

 

Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ các quốc gia thực hiện nỗ lực hàng ngày để đảm bảo không để ai bị bỏ lại phía sau.

 

Ngày 24/6/1859 ở Solferino - một thành phố miền bắc nước Ý, cuộc giao chiến khốc liệt giữa lực lượng quân đội liên minh Pháp - Ý chống lại quân chiếm đóng Áo đã để lại trên chiến trường 40.000 người thương vong. Quân y của các bên tham chiến không đủ lực lượng để giải quyết tình trạng quá nhiều người bị thương. Vô tình chứng kiến cảnh tượng kinh hoàng trên, một thương gia Thụy Sĩ tên là Henry Dunant đã kêu gọi dân chúng địa phương giúp đỡ người bị thương bất kể họ là người của bên nào.  Khi trở về Thụy Sĩ, Henry Dunant đã viết lại những điều này trong cuốn sách "Ký ức về Solferino". Cuốn sách được hoàn thành năm 1862. Trong cuốn sách, ông đưa ra 2 ý tưởng: Thành lập tại mỗi quốc gia một

 

Hội Cứu trợ bao gồm những người tình nguyện, những người danh tiếng, những chính khách có tên tuổi để chăm sóc những người bị thương khi có chiến tranh; Vận động một thỏa thuận quốc tế bảo vệ những binh lính bị thương trên chiến trường và những người chăm sóc họ.

 

Năm 1863, ý tưởng của Henry Dunant đã trở thành hiện thực với sự ra đời của Uỷ ban Chữ thập đỏ quốc tế (ICRC) và việc thành lập các Hội quốc gia đầu tiên. Cũng năm đó, dấu hiệu phân biệt - chữ thập đỏ trên nền trắng - để nhận biết và bảo vệ những người giúp đỡ binh sĩ bị thương trên chiến trường đã được thông qua. Năm 1919, Hiệp hội Chữ thập đỏ và

 

Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế thành lập. Ðến nay đã có 192 Hội Chữ thập đỏ/Trăng lưỡi liềm đỏ quốc gia trên thế giới là thành viên của Phong trào, thực thi các hoạt động nhân đạo khắp các châu lục, thực sự trở thành xu thế phát triển tiến bộ trên toàn cầu.

 

Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế được thành lập là mốc quan trọng cho sự ra đời của Phong trào Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế, phong trào nhân đạo lớn nhất trên toàn cầu. Ðể ghi nhớ công lao của người sáng lập Phong trào, ngày sinh của Henry Dunant (8/5) đã được lấy làm Ngày Chữ thập đỏ quốc tế. Năm 1984, Ngày Chữ thập đỏ quốc tế được đổi tên thành Ngày Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế. Ðây là dịp để những người làm công tác nhân đạo trên thế giới tự hào ôn lại truyền thống lịch sử lâu đời của Phong trào Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ, tiếp tục khẳng định và phát huy vai trò, tổ chức các hoạt động nhân đạo trợ giúp những người dễ bị tổn thương nhất trong cộng đồng thông qua mạng lưới cán bộ, tình nguyện viên đông đảo khắp toàn cầu.