Tủ sách giáo dục - kỹ năng sống

"Chị em ơi!
Nào bầu, nào gạo, nào bắp, nào khoai
Lu mắm cô Hai, bành chai chị Bảy
Chị em ta vững vàng tay lái
Đem ra tận ải biên thùy
Ta nuôi anh lính mộ có xá gì gian nan..."

 

Hò Đồng Tháp được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia - loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian, tạo tiền đề cho các nhạc sĩ, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian địa phương mở rộng sưu tầm và phục hồi điệu hò. 

 

Hò Đồng Tháp xuất hiện đầu thế kỷ XIX, phát triển cực thịnh và trở thành điệu hò nổi tiếng ở Đồng bằng sông Cửu Long vào nửa đầu thế kỷ XX. Năm 1954, người mang điệu Hò Đồng Tháp cùng tập kết ra Bắc là nghệ sĩ Kim Nhụy; giáo sư, tiến sĩ Trần Văn Khê đã thuyết giảng về dân ca Việt Nam - trong đó có Hò Đồng Tháp ở 67 quốc gia.

 

Hò Đồng Tháp có nhiều thể loại như: hò cấy, hò huê tình, hò khoan, hò bắt xác. Nét đặc trưng, riêng biệt của Hò Đồng Tháp so với các điệu hò Nam bộ là chỉ hò một mình, không có hình thức đối đáp. Đó là tâm tình, của con người về tình duyên, về số phận, những buồn vui cuộc đời. Cũng có khi có bài hò để… phê phán, để lên án những cái ác, cái xấu. Phản ánh mọi mặt của đời sống nên nội dung của Hò Đồng Tháp vô cùng phong phú.

 

Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, Hò Đồng Tháp vẫn khẳng định giá trị là loại hình Di sản văn hóa phi vật thể có ảnh hưởng sâu sắc đến sinh hoạt văn hóa của người dân Nam bộ nói chung, Đồng Tháp nói riêng. Việc Hò Đồng Tháp được công nhận là di sản văn hoá phi vật thể quốc gia sẽ là điều kiện tốt để không ngừng nuôi dưỡng và phát huy các giá trị nhân văn sâu rộng của loại hình dân gian đặc sắc này.