Giới thiệu sách

Chủ đề: Kỉ niệm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam

Tên sách tuyên truyền: “Sống mãi với Thủ đô”

♦ Thời gian giới thiệu: 05/12/2022
♦ Địa điểm giới thiệu: Thư viện, Website trường 
♦ Người giới thiệu: Nhân viên thư viện 
 
Kính thưa các thầy cô giáo và các em thân mến! Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng là một con người tài hoa luôn dành một thứ tình cảm đặc biệt cho Hà Nội. Chính tình yêu này đã giúp ông tạo nên một Hà Nội sống mãi vừa cổ kính vừa kiên cường cho tới ngày nay.

Mang một con tim hướng về Hà Nội, Nguyễn Huy Tưởng luôn lấy thành phố và con người nơi đây làm nguồn cảm hứng khi cầm bút, cũng chính vì thế ông đã ấp ủ khát vọng có thể viết nên một thiên hùng ca về mảnh đất Kinh Kỳ trong không khí kháng chiến sôi động. 

Để hiện thực hóa mong ước ấy, Nguyễn Huy Tưởng bắt đầu thai nghén cuốn sách Sống mãi với thủ đô, với bản thảo ban đầu mang tên Hà Nội liên khu Một. Tác phẩm lấy bối cảnh thủ đô trong cuộc chiến năm 1946, nhà văn không tạo nên một nhân vật chính mà kể về cuộc đời của nhiều con người tại Hà Nội.
 
Họ chỉ là những người đem lòng yêu mảnh đất này và kiên cường bám trụ nơi đây để đồng lòng bảo vệ nó khỏi vòng vây của kẻ thù. Xuyên suốt tác phẩm, ta thấy nhiều tâm tư chồng chéo của tầng lớp tiểu tư sản khi đứng giữa hai lựa chọn, đứng lên chống giặc hay trung lập, không lên tiếng. 

Sống mãi với thủ đô không chỉ dừng lại ở một tác phẩm văn học mà nó còn như cuốn tài liệu lịch sử ghi chép lại bối cảnh Hà Nội trong những năm đầu thế kỷ XX, đặc biệt ở giai đoạn kháng chiến mùa đông năm 1946. 

Nguyễn Huy Tưởng tỉ mỉ ghi chép lại những sự kiện lịch sử diễn ra, trong ấy ông lồng ghép tên những con phố nổi tiếng ở thủ đô cùng nếp sống, nếp sinh hoạt của con người trước và xuyên suốt cuộc chiến.  

Hà Nội trước những ngày nổ ra chiến tranh mang vẻ đẹp của mảnh đất ngàn năm văn hiến, hiện ra qua những con phố mà mỗi nơi lại đem đến nét đặc trưng riêng, như phố Hàng Khoai, hàng Đường hay hàng Chiếu.

Nhịp sống ở thành phố này có lẽ hiện ra rõ nhất qua các khu chợ mà đặc biệt là chợ Đồng Xuân, nơi mà trong trang văn của Nguyễn Huy tưởng được mệnh danh như trái tim của Hà Nội.
 
“Thủ đô có những nơi sang trọng như Tràng Tiền, xinh đẹp như Hồ Gươm, nhưng đông vui nhất vẫn là cái chợ ở vào trung tâm của ba mươi sáu phố phường này, mà cái tên đã đi liền với tên Hà Nội, mà người tứ xứ kéo về thủ đô đều phải tới thăm nếu không muốn để cho lòng phải ân hận khi trở ra về. Đối với người Hà Nội, và nhất là đối với những người dân phố ở đây, chợ Đồng Xuân là một điểm tự hào.”
 
Người người khắp mọi nơi trên đất Kinh Kỳ, hầu như đều đổ về đây để hòa trong không khí nhộn nhịp, phơi phới của tiếng người mua, kẻ bán. Không ở đâu trên đất Hà Nội vui bằng khu chợ Đồng Xuân mỗi dịp tết đến, họ vồn vã sắm sửa cho gia đình thức ăn ngon hay bó hoa đẹp khi xuân về. 

Khu chợ mang trong mình cả một nhịp sống cùng nếp sinh hoạt đặc trưng của thủ đô trong những ngày vắng tiếng súng, bởi thế khi chịu sự tàn phá của kẻ thù, nơi đây càng trở nên ủ rũ và buồn rầu hơn bao giờ hết.

Trong Sống mãi với thủ đô thông qua nhân vật Trần Văn, tác giả ca ngợi vẻ đẹp vượt thời gian của thủ đô với Hồ Gươm ở giữa lòng thành phố hay hàng vạn cây bàng trên ngọn đồi ở hồ Tây. Không chỉ thế, Hà Nội còn toát lên sự cổ kính với ngọn tháp Đại Thắng từ đời Lý hay đền Kính Thiên xa xưa. 

Hà Nội càng đẹp bao nhiêu lại càng khiến những người con yêu thủ đô phẫn uất kẻ thù bấy nhiêu, bởi chính chúng đã phá tan nét đẹp nhuốm màu thời gian ở nơi này. Hơn thế nữa, thực dân Pháp còn khiến nét văn hóa cũng như nhịp sống thành phố ngàn năm văn hiến bị đảo lộn. 

Đọc từng con chữ trong tác phẩm, ta cảm nhận được tình yêu mãnh liệt của tác giả dành cho thủ đô và ông mang tấm lòng ấy họa vào nhân vật của mình, để khắc sâu hơn lòng căm thù giặc và ý chí quyết tâm chiến đấu bảo vệ Hà Nội. 

Trong Sống mãi với thủ đô, tác giả không tập trung vào một nhân vật mà nó như một bức tranh được ghép lại bởi vô vàn câu chuyện của nhiều mảnh đời khác nhau. Trần Văn, Nhật Tân, Phú, Hương cùng rất nhiều thanh niên khác, họ là những người còn lại bám trụ ở Hà Nội và quyết tâm bảo vệ thủ đô.
Ghét Pháp, sợ Việt Minh nhưng đây không phải là lí do để họ có thể từ bỏ thủ đô bởi họ yêu Hà Nội, coi nó nó như máu thịt của mình:
 
 
“- Tao ghét Pháp cũng nặng như tao sợ Việt Minh. Cho nên tao không có chỗ đứng. Có lẽ chỗ đứng tao là ở nghĩa địa. Còn sống ngày nào thì chơi, hoàn toàn tự do, hoàn toàn tận hưởng những cái gì mà cuộc đời có thể cho tao.”
 
Tuy nhiên, xuyên suốt tác phẩm cảm hứng chủ đạo vẫn là ca ngợi tinh thần chiến đấu của thanh niên Hà Nội. Những con người mang một tình yêu sâu sắc với thủ đô, họ quyết không tản cư đi nơi khác mà bám trụ lại với nơi đây. 

Câu khẩu hiệu “Sống chết với thủ đô” trở thành sợi chỉ đỏ từ đầu đến cuối tác phẩm, nó là động lực chiến đấu cho những người còn ở lại. Phúc là một cậu ấm trong gia đình giàu có, cũng sẵn sàng từ bỏ cuộc sống ấy để đi theo cách mạng, tinh thần quyết không đầu hàng sục sôi, lan tỏa từng ngõ ngách thủ đô. Tình yêu với Hà Nội được thể hiện ở mọi nơi đôi khi nó chỉ là một lời nói, một hành động:
 
Dưới là một hàng chữ đen:“Chúng tôi, những thanh niên Hà Nội nguyện hi sinh đến giọt máu cuối cùng. Thề sống chết với thủ đô!”
 
Bên cạnh những người sẵn sàng xả thân cho cuộc chiến thì Sống mãi với thủ đô còn vạch trần bộ mặt của vô số kẻ ăn bám thực dân Pháp để trục lợi cho bản thân. Ông bà Cự Lâm là đại diện cho những người như thế, họ không chỉ kiếm tiền từ việc không chân chính mà còn luôn nhỏ nhen với cách mạng. 

Sống mãi với thủ đô là sự kết hợp hài hòa giữa nhiều mảnh đời, những người sẵn sàng hy sinh cho an nguy của Hà Nội, vô vàn thanh niên chơi vơi, đứng ngoài cuộc chiến và cả những kẻ bám chân Pháp vì lợi ích cá nhân. 

Mặc dù cuốn tiểu thuyết không thể có một cái kết trọn vẹn, số phận của các nhân vật còn bị bỏ ngỏ nhưng Sống mãi với thủ đô vẫn mang sứ mệnh của riêng nó trong dòng chảy văn học Việt Nam. Một bức tranh chân thực của Hà Nội những năm đầu thế kỷ XX, vừa mang nét đẹp cổ kính trong đời sống thường nhật lại vừa sôi sục trong chiến đấu. 
 
 
Tên sách tuyên truyền: “Bí mật thế giới động vật - Thế giới các loài cá”
♦ Thời gian giới thiệu: 05/12/2022
♦ Địa điểm giới thiệu: Thư viện, Website trường 
♦ Người giới thiệu: Nhân viên thư viện 
 
Các em thân mến!

Động vật là người bạn của nhân loại, chúng phân bố ở khắp nơi trên Trái đất, trên bầu trời, trên mặt đất hay dưới đại dương, nơi đâu chúng ta cũng có thể bắt gặp chúng.

Có thể các em đã có những hiểu biết cơ bản về các loài động vật, như nhận ra tiếng hót thánh thót của họa mi, hay hình dáng kỳ diệu của cá vàng, nhưng các em có biết được bí mật của các loài động vật không? Vì sao rắn đuôi chuông lại được mệnh danh là “sát thủ sa mạc” Vì sao chim đỗ quyên không bao giờ xây tổ, chúng duy trì nòi giống bằng cách nào? Tại sao gấu Bắc Cực không sợ lạnh? Quá trình phát triển và suy tàn của gia tộc khủng long như thế nào?... Thế giới động vật ẩn chứa biết bao điều kỳ diệu và bí ẩn đúng không các em ?

Các em có muốn tìm hiểu bí mật của các loài động vật không? Cuốn sách này sẽ giúp bạn thỏa mãn trí tò mò và đam mê khám phá. Với ngôn ngữ đơn giản, hình ảnh phong phú và sinh động. Qua cuốn sách này, các em sẽ được trải nghiệm được cuộc phiêu lưu kì thú của “Thế giới loài cá”.

Cuốn sách giới thiệu chi tiết nguồn gốc các loài cá, tập tính sinh sống, đặc điểm cấu tạo, phương thức sinh sản, vũ khí bảo vệ, phương thức săn mồi và các khả năng đặc biệt khác, các em sẽ được bước vào thế giới các loài cá đầy kỳ diệu.
 
“Thế giới các loài cá” gồm có 3 chương: 
Chương 1: Động vật bậc thấp
     Trên thế giới hiện nay có khoảng hơn 90% động vật bậc thấp, chủ yếu bao gồm động vật ruột khoang, động vật nhuyễn thể, động vật da gai, động vật chân khớp… Trong quá trình tiến hóa, cấu tao cơ thể của động vật bậc thấp có những thay đổi lớn, phát triển từ bậc thấp đến bậc cao, từ đơn giản đến phức tạp. Phần lớn các loài động vật bậc thấp đều sinh sống dưới nước như sứa, các loài sò, cua…
     Các loài động vật bậc thấp tiêu biểu là: Bọt biển, sứa, ốc ngao, cua, sò, hải tiêu, thỏ biển tai dài, sam biển, cua biển, ốc mượn hồn….
 
Chương 2: Lớp cá không hàm và lớp cá sụn
      Lớp cá không hàm là loài cá nguyên thủy nhất, chúng không có hàm trên dưới, trong miệng có rất nhiều răng, hình thành giác mút hình tròn, dùng để hút máu và thịt của con mồi.
      Lớp cá sụn là một nhóm cá có hàm với các vây tạo thành cặp, các cặp lỗ mũi, vảy, tim hai ngăn và bộ xương hợp thành từ chất sụn chứ không phải xương. Lớp cá sụn có khoảng hơn 800 loài, phần lớn sinh sống dưới biển, cơ thể to lớn. Cá sụn không ngừng di chuyển về phía trước nhờ vào đuôi, còn cá không hàm dựa vào sự di chuyển của cơ thể để tiến lên phía trước. Phần lớn cá sụn đều nhờ vào sự chuyển động của dòng nước, há to miệng để nuốt nhiều sinh vật phù du.
      Các loài vật tiêu biểu của lớp cá không hàm và lớp cá sụn là: cá mút đá biển, cá đuối, cá mập, cá mập trắng…
 
Chương 3: Siêu lớp cá xương
      Hiện nay trên thế giới có khoảng 24000 loài cá xương, chiếm một nửa loài động vật có xương sống hiện nay. Nhìn từ bên ngoài, cơ thể của cá xương có một số điểm giống với cá sụn, nhưng trên thực tế hai loài này có sự khác biệt rất lớn. Bộ xương của lớp cá xương bao gồm khung xương có cả vây do xương cứng tạo thành. Phần lớn cá xương là cá biển, cũng có một số loài cá xương sống ở vùng nước ngọt. Cá xương là loài cá tiến hóa thành công nhất, gần như vùng biển nào trên Trái đất cũng có bóng dáng của chúng.
      Các loài cá tiêu biểu là: Cá vây tay, cá trích, cá rồng, cá thu đao, cá tuyết, cá tầm, cá hồi, cá chó, cá chình, cá chép, cá diếc, cá mao tiên…
      Cuốn sách mang đến cho các em kiến thức mới mẻ và nhiều thông tin thú vị về các loài động vật, là sự kết hợp hài hòa những kiến thức khoa học với hình ảnh sinh động, bắt mắt.
      Cuốn sách hiện có trong thư viện nhà trường, các em hãy đọc và khám phá những điều thú vị từ nó nhé!