Giới thiệu sách

Chủ đề: Kỉ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam
- Tên sách tuyên truyền: “Dạy con dạy cha”
- Tên sách tuyên truyền: “Cô giáo Trinh”

Tên sách tuyên truyền: “Dạy con dạy cha”
 
♦ Thời gian giới thiệu: 07/11/2022
♦ Địa điểm giới thiệu:  Sân trường, Website trường 
♦ Người giới thiệu: Nhân viên thư viện và Học sinh
 
 
     Kính thưa các thầy giáo, cô giáo:
     “Con chúng ta có thể không phải là thiên tài nhưng chúng hoàn toàn có thể là những người tốt” chỉ cần chúng ta biết trò chuyện với chúng. Khi con cái ngày một lớn hơn, bên cạnh mối liên hệ với cha mẹ, con bắt đầu biết đến nhiều mối quan hệ khác. Lúc này, tâm lý của con trẻ sẽ chuyển biến phức tạp, và có thể một lúc nào đó, cha mẹ sẽ nhận ra rằng, có nhiều chuyện, con cái không còn muốn chia sẻ với mình mà chỉ thích trò chuyện cùng bạn bè. Như vậy, để giữ sợi dây liên kết giữa cha mẹ với con cái ngày càng bền chặt, gần gũi, tốt nhất là cha mẹ cần học cách làm bạn cùng con. Khi cha mẹ cởi mở, sẵn sàng lắng nghe, con cái sẽ có thể thoải mái nói lên suy nghĩ, mong muốn của mình mà không cảm thấy áp lực sẽ bị la mắng hay những hình phạt đáng sợ từ cha mẹ. Nhưng cởi mở, lắng nghe, làm bạn với con cũng không có nghĩa là dễ dãi, có thể cho con vi phạm nhiều nguyên tắc sống. Vậy cha mẹ phải làm thế nào để con cái tin cậy và thực sự sẻ chia khi cần? Tất cả những băn khoăn còn bỏ ngỏ của những bậc làm cha mẹ sẽ phần nào tìm thấy được câu trả lời trong cuốn sách “Dạy con dạy cha” của Phúc Lai. Với kinh nghiệm của một người có thâm niên đi họp phụ huynh hai mươi năm, từ vai “quyền huynh thế phụ” cho đến khi trở thành người cha thực sự của hai con Bôn Ba Nhi Bá và Bá Nha Nhi Bôn, Phúc Lai đã đem đến cho các ông bố bà mẹ trẻ những chiêm nghiệm hết sức thành tâm, sâu sắc để trở thành một người bạn thực thụ của con. Trong quá trình phấn đấu trở thành bạn của con, tác giả đã hiểu ra rằng, trước khi muốn dạy con, muốn làm bạn với con thì mình phải dạy được chính mình đã. “Dạy con dạy cha” không phải là cái gì cao siêu như Kinh Thánh, khó hiểu như kinh Koran, nó là câu chuyện đời thường mà ai cũng thấy và có thể làm được. Chỉ có điều đưa vào sách nhẹ nhàng, không khiên cưỡng thì chỉ có Phúc Lai làm được. “Dạy con dạy cha” là một cuốn sách đáng được xếp vào thể loại “đọc bằng tim”, bởi phải có tình cảm, có trái tim nhân hậu mới thấy hay và thấm thía."
 
 
Tên sách tuyên truyền: “Cô giáo Trinh”
 
♦ Thời gian giới thiệu: 07/11/2022
♦ Địa điểm giới thiệu:  Sân trường, Website trường 
♦ Người giới thiệu: Nhân viên thư viện và Học sinh
 
 

     Đề tài về người thầy cô giáo trong văn thơ Nguyễn Nhật Ánh xưa nay không phải là hiếm, nhưng cũng hẳn là quá nổi bật. Thông thường trong truyện của mình, ông hay để cho người thầy làm nền cho những cô cậu học trò tinh nghịch, tái hiện về một tuổi thơ “dữ dội và dịu êm”. Nhưng từ trong truyện ra ngoài đời, nghề giáo vẫn luôn như thế, lặng thầm mà không ai có thể quên được, đã tiếp xúc thì sẽ mãi lưu trữ ấn tượng sâu đậm. Đối với tôi, trong truyện Nguyễn Nhật Ánh, người thầy mà tôi chẳng bao giờ có thể quên được là cô giáo Trinh trong truyện Kính Vạn Hoa, cũng như trong kí ức tuổi thơ của bao người.

    Trong truyện Kính Vạn Hoa, cô giáo Trinh hiện lên là cô giáo chủ nhiệm của lớp 8A4 trường Tự Do, đồng thời còn là cô giáo dạy Văn. Và câu chuyện của cô lại oái ăm thay, là bị chính học trò của lớp mình chủ nhiệm ăn cắp sổ sách giáo viên, gây cho cô bao tình huống dở khóc dở cười.
    Cô Trinh dạy Văn. Môn văn xưa nay vẫn được hiểu là môn dạy ta làm người, rèn nhân cách. Chính chi tiết tưởng như nhỏ nhặt ấy lại lí giải những ý nghĩ rất thấu đáo, thấm đẫm tình thương yêu học trò của cô. Khi đọc truyện, người đọc có thể cảm nhận được rằng cô Trinh là một cô giáo dạy Văn rất giỏi, bởi suy nghĩ của cô không theo khuôn mẫu của nhà giáo thông thường, phải dạy thêm cho trò này, kiếm thêm thu nhập,… Không, cô Trinh lại không làm như thế, dẫu cho cô còn hai con nhỏ ở nhà, chồng mất sớm, chỉ có nguồn lương ở trường làm thu nhập chính. Tất cả những gì cô biết là cô là người dạy văn cho gần hai trăm học trò trường Tự Do, và tất cả tâm huyết của cô chỉ dồn vào đó mà thôi. Cô mong muốn học trò trên lớp phải có chất lượng bài giảng sao cho tốt nhất, tạo điều kiện học tập bình đẳng cho tất cả học sinh.

    Khi bị lấy cắp hết sổ sách ở trường, cô đã hoảng loạn và không ngăn được mình lên tiếng tra hỏi học trò của mình, đó là một điều vốn rất bình thường. Nhưng suy nghĩ tiếp theo của cô mới là điều khiến tôi ấn tượng nhất, ghi nhớ mãi kí ức về một cô giáo Trinh có nhân cách nghề nghiệp tuyệt vời: “Một người thầy đứng trên bục giảng không được phép nghi ngờ hay nghĩ xấu về học trò! Một khi đã đánh mất niềm tin vào chính những học trò mình đang dạy dỗ, người thầy cũng đồng thời đánh mất luôn vai trò cao quý của mình và như vậy cũng chẳng còn lí do để tiếp tục đứng trên bục giảng.” Dù chỉ là một câu hỏi phớt qua, nhưng sau đó cô lại cảm thấy rất hổ thẹn vì hành động của mình. Và cô lại tự nhủ bản thân rằng kẻ trêu ngươi sớm muộn cũng sẽ trả lại đống sổ ấy, rằng tất cả mọi chuyện chỉ là sự đùa dai của ai đó. Nhưng trước mắt, chỉ riêng chuyện cô vẫn lạc quan, sẵn sàng tự mình gánh vác tất cả khó khăn khi phải làm lại sổ sách từ đầu, không để liên lụy đến học trò. .

    Thế nhưng, điều khiến cô phải băn khoăn trước sự kiên định không dạy thêm bấy lâu nay của mình chính là khi đối diện với hoàn cảnh của em Quới Lương. Cô kiên quyết không dạy thêm là vì học trò, nay ý định ấy lung lay cũng là vì học trò.
    Là một nhà giáo thực thụ, cô không thể để cho học sinh của mình phải chịu thiệt thòi về mặt tri thức. Sự yêu thương học trò ấy đã thôi thúc cô đi tìm giải pháp cho hoàn cảnh của cậu bé Quới Lương chểnh mảng học hành, ngỗ nghịch, lại hay tự ái. Dù là ai, miễn là học trò thì đều được cô chở che, thương yêu, giúp đỡ. Đó mới thực là cái tâm của nghề nhà giáo. Tôi đã rất xúc động khi nhìn thấy cô sẵn sàng bỏ thêm sức lực vốn yếu ớt của mình để dạy thêm cho học trò, lại càng cảm động hơn khi biết đối với học trò nghèo, cô không lấy tiền. Chính những sự hi sinh cao cả mà thầm lặng của cô đã làm cho trái tim người đọc rung cảm. Những dòng ghi chép của cô về lớp 8A4 tinh nghịch đơn sơ và giản dị biết mấy, mà lại chứa đựng bao nhiêu tình cảm, sự chăm lo chăm chút, và kì diệu thay chính những dòng văn ấy cũng đã khiến cho Quới Lương phải bật khóc mà hoàn lương. Tôi nghĩ rằng, những giọt nước mắt rơi xuống khi ấy đâu chỉ là của riêng Quới Lương, mà là còn của nhiều bạn đọc khác nữa. Tất cả những gì cô đang làm, đã và đang cống hiến, tất cả đều vì một sự nghiệp trồng người. Và như vậy thôi, cô đã thấy như vậy là quá trọn vẹn, là một sự đền bù xứng đáng khi thấy học trò của mình tiến bộ từng ngày.
 
    Điều làm tôi mãi không thể quên được cô Trinh, là bởi sự kiên trì và nghị lực đến đáng kinh ngạc của cô. Chưa nói đến khía cạnh một người thầy, chỉ riêng một người mẹ Trinh thôi cũng đã đủ để khiến tôi khâm phục. “Cô giáo Trinh” đích thực là một người lái đò tuyệt vời nhất tôi từng biết đến qua trang sách. Và hi vọng cô sẽ luôn sống mãi, để cho mọi người đời sau biết được, dù ở ngoài đời hay trong trang sách, sẽ luôn có những “cô giáo Trinh” hết lòng tận tâm vì nghề nghiệp đến như thế, cống hiến cho nền trồng người cao cả và vĩ đại như nó vốn thế. Giờ đây tháng 11 đã về, mùa của sự tri ân và của những tấm lòng yêu thương, tôi xin chúc cho tất cả mọi người đã, đang, và sẽ làm nghề trồng ngươi thật dồi dào sức khỏe và luôn sục sôi tấm lòng yêu nghề để mãi tiếp nối cho sự nghiệp giáo dục!