Y tế

- Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính, bệnh lây lan do muỗi vằn đốt người bệnh nhiễm vi rút sau đó truyền bệnh cho người lành qua vết đốt. Bệnh xảy ra quanh năm nhưng thường bùng phát thành dịch lớn vào mùa mưa, từ tháng 4 đến tháng 11. Bệnh xảy ra ở mọi lứa tuổi.
 
 
Người mắc bệnh sốt xuất huyết thường có biểu hiện: 
 
- Thể nhẹ
Bệnh nhân thường bắt đầu với các cơn đau mỏi, phát ban, nhức đầu… và đi kèm với triệu chứng sốt cao từ 39 đến 40 độ. Cơn sốt sẽ kéo dài từ 2 đến 7 ngày mà không có dấu hiệu thuyên giảm hay rất khó hạ sốt.
 
- Thể nặng
Sốt cao lên đến 39 hoặc 40 độ C, cơn sốt xuất hiện đột ngột, khó hạ và kéo dài từ 2 đến 7 ngày. Và kèm theo các triệu chứng như: Xuất hiện hiện tượng xuất huyết ngoài da, chảy máu cam và máu chân răng, ói ra máu, đi cầu phân đen… Xuất hiện các triệu chứng do hạ huyết áp như cảm giác đau bụng dữ dội, buồn nôn, chân tay lạnh, người vật vã…
 
Khi nghi ngờ bị sốt xuất huyết cần đưa ngay người bệnh đi khám bệnh. Tuyệt đối không tự uống thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ, không cạo gió, không kiêng ăn, không nhịn uống… Cần đưa người bệnh đến các cơ sở y tế ngay nếu thấy có mọt trong những dấu hiệu sau: li bì hoặc bứt rứt, nôn nhiều, đau bụng nhiều, xuất huyết, tay chân lạnh,….
 
 
 
Hiện nay sốt xuất huyết chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, do vậy để phòng sốt xuất huyết người dân cần thực hiện các khuyến cáo của Bộ Y tế:  
 
-  Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.
- Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng/ bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước, thay nước bình hoa,…
- Loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá,…
- Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày.
- Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch bệnh.