Giới thiệu sách

Cuốn sách của tác giả Phạm Thắng là dòng hồi ức về tuổi thơ ở Hà Nội với những tháng ngày đau thương, hào hùng, oanh liệt.

Tác giả Phạm Thắng - người viết cuốn Đội thiếu niên tình báo Bát Sắt - vừa ra mắt tác phẩm mới mang tên Tháng ngày thương nhớ. Những dòng ký ức của một người viết ở tuổi bát tuần giống như những giọt sương mùa thu đọng trên rễ đa cổ thụ. Người ta nói "tuổi già giọt lệ như sương" - trang hồi ức của ông được chắt lọc, gạt đi mọi bụi bặm của nghìn vạn thời khắc đã qua.
 

Sách “ Tháng ngày thương nhớ” là hồi ức của tác giả Phạm Thắng về tuổi thơ ở Hà Nội những năm trước và sau Cách mạng tháng Tám 1945.



 

Những năm 1944, 1945 đường phố Hà Nội có cảnh tượng bi thảm và đau thương của lịch sử nước nhà, đó là cảnh "người chết đói". Thế hệ trẻ hôm nay có lẽ chỉ được biết phần nào qua những dòng ngắn ngủi từ sách giáo khoa, qua vài tấm ảnh trong viện bảo tàng... Nhưng khi đọc những trang văn của Phạm Thắng, ký ức tuổi thơ chân thật tự nhiên không chút màu mè của tác giả cho ta những rung động đau xót.


"... Vào thời điểm ấy, hàng vạn dân quê đói rách từ nông thôn các tỉnh kéo về Hà Nội xin ăn. Họ lê bước thất thểu tràn ngập đường phố. Nhiều người đói lả bò lết trên hè. Số đông trong bọn họ chỉ có mảnh vải xơ xác che thân. Họ là những bộ xương bọc lớp da nhăn nhúm cáu bẩn, không thể đoán tuổi, không thể biết giới tính. Người chết đói nằm la liệt khắp ngõ hẻm, đầu đường, góc phố. Một luồng gió thoảng cũng đủ bốc mùi tử thi xú uế!...".


Thăng Long - Hà Nội, mảnh đất kinh kỳ hoa lệ, những con phố mùa thu tưởng chừng chỉ có hương cốm mới và mùi hoa... ấy thế mà lịch sử đau thương đã ghi lại vỉa hè Hà Nội với nhiều người chết đói... Người đọc sẽ còn chứng kiến cảnh tượng quân Pháp, rồi quân Nhật... hành xử bạo tàn với người dân để rồi hiểu và thấm thía hơn lịch sử dân tộc đã thực sự sang trang từ ngày 19/8/1945, rồi tiếp đó là ngày Độc Lập 2/9.


Như mọi miền trên Tổ quốc Việt Nam, Hà Nội chứng kiến cuộc đổi đời của dân tộc. Ký ức tuổi thơ của tác giả Phạm Thắng ghi lại trung thực hình ảnh người dân thành tâm sát cánh cùng chính phủ trong Tuần lễ vàng. Tiếp đó, những biến động đã khích lệ lòng yêu nước cháy bỏng của người dân Hà Nội bước vào cuộc kháng chiến toàn quốc từ đêm 19/12/1946.


Khi ghi lại những dòng ký ức tuổi thơ, tác giả Phạm Thắng như có một chút bông đùa với hình ảnh của mình. Ông tự miêu tả bản thân với những nét nghịch ngợm hồn nhiên, là một cậu bé bị mọi người chê cười là "vô tích sự". Sống thật vui tươi với lòng yêu nước, yêu mọi người, yêu Hà Nội, cậu bé học trò phố Huế ấy đã trở thành một chiến sĩ nhỏ trong Đội thiếu niên Tình báo hoạt động trong lòng Hà Nội suốt những năm kháng chiến.


Sống giữa Hà Nội thế kỷ 21, người đọc hôm nay sẽ được trở về quá khứ với những trang viết chân thật từ ký ức của nhà văn Phạm Thắng, một người Hà Nội, đã sống và chiến đấu vì Hà Nội. Những trang viết của ông thật chân thành, không chút "làm văn", chỉ như một người ông kể chuyện rủ rỉ và hóm hỉnh cùng các cháu.