Giới thiệu sách

Chủ đề: Mừng Đảng- Mừng Xuân

- Tên sách tuyên truyền: “Hành trình trở thành người giáo viên Hạnh phúc - Thịnh Vượng - Bình An”
- Tên sách tuyên truyền: “Sự tích bánh chưng bánh dày”

Tên sách tuyên truyền: “Hành trình trở thành người giáo viên Hạnh phúc - Thịnh Vượng - Bình An”

♦ Thời gian giới thiệu: 4/1/2022

♦ Địa điểm giới thiệu:  Website trường

♦ Người giới thiệu: Nhân viên thư viện
 
 
   Kính thưa các thầy cô giáo “Thay đổi” luôn luôn là bản chất và quy luật tất yếu của vạn vật trong đó có con người - một tiểu vũ trụ nhỏ bé trong đại vũ trụ bao la đầy màu nhiệm. Cùng với thời gian, sự thay đổi cũng được “đổi thay” – không còn âm thầm và chậm rãi như trước mà nó được diễn ra với tốc độ nhanh hơn, mạnh hơn, thần tốc hơn, vượt xa khỏi sự hình dung và kiểm soát của con người. Đại dịch Covid - 19 là một minh chứng rõ ràng và sắc nét cho sự đổi thay đó của thế giới. Chúng ta dường như đang phải gánh chịu nhiều tác động và sức ép hơn bao giờ hết, mọi cá nhân “buộc phải thay đổi” và “thay đổi từ bên trong” để chuyển mình cho kịp với dòng chảy của nhân sinh và vũ trụ.
 
   Đứng trước bối cảnh mới của thời đai, giáo dục vẫn được xác định là con đường, là chìa  khóa, là phương tiện cứu cánh giúp mỗi cá nhân, mỗi tổ chức, mỗi quốc gia có thể thích nghi, hòa nhập, phát triển trong quỹ đạo nhiều biến đổi ấy. Và một lần nữa trọng trách đặt lên vai cho ngành giáo dục, cho những người làm giáo dục. Họ buộc phải tìm ra những mô hình, những phương pháp, những tư tưởng, những lối đi mới mẻ và đột phá…để giúp chính họ và những người xung quanh hòa nhập được vào thế giới.
 
   Cuốn sách này chứa đựng những mô hình và những lối đi như thế, dành cho chính những thầy cô Việt Nam. Con đường để trở thành người giáo viên hạnh phúc - thịnh vượng - bình an đã được trải nghiệm và kiểm chứng bởi hàng nghìn người thông qua Triết lý giáo dục thường xuyên qua tim do Thạc sĩ Nguyễn Công Thái làm tác giả. Cuốn sách sẽ dẫn dắt những nhà giáo cách thức, phương pháp, công cụ và thói quen để đạt đến hành trình khai phóng bản thân mình và hiện thực hóa ước mơ giáo dục của rất nhiều người.
 
   Thư viện nhà trường hy vọng cuốn sách sẽ trở thành người bạn không thể thiếu của giáo viên trên hành trình trở thành người giáo viên hạnh phúc - thịnh vượng - bình an như mong mỏi của rất nhiều “người lái đò”trong môi trường giáo dục Việt Nam hiện tại.
 
Tên sách tuyên truyền: “Sự tích bánh chưng bánh dày”
♦ Thời gian giới thiệu: 4/1/2022

♦ Địa điểm giới thiệu:  Website trường

♦ Người giới thiệu: Nhân viên thư viện

 
 
   Các em thân mến!
   Cứ mỗi độ Tết đến xuân về, trên bếp lửa hồng của mỗi gia đình là nồi bánh chưng xanh. Trên mâm cỗ cúng gia tiên của bất kỳ gia đình Việt Nam nào cũng không thể thiếu một thứ bánh đậm đà bản sắc dân tộc đó là món bánh chưng xanh, bánh dày. Các em đã bao giờ đặt câu hỏi : Vì sao trong mâm cỗ ngày Tết của người Việt lại bắt buộc  phải có bánh chưng xanh mà không phải là một thứ bánh khác? Vì sao món bánh chưng lại được đặt trân trọng trên bàn thờ cúng tổ tiên trong dịp tết chưa nhỉ? Để trả lời cho câu hỏi đó xin mời các bạn tìm đọc cuốn sách có tựa đề “ Sự tích bánh chưng bánh dày” sách do NXB Mỹ Thuật xuất bản năm 2017. Cuốn sách được minh họa bằng rất nhiều hình ảnh sinh động. Cuốn sách cho các em hiểu rõ hơn nguồn gốc về sự ra đời và ý nghĩa của chiếc bánh chưng, bánh dày.
 
   Bánh chưng và bánh dày là hình ảnh quê hương với màu xanh của ruộng đồng, của sông núi. Thứ bánh này được làm ra từ những hạt "ngọc thực" quý nhất của thiên nhiên, sinh sôi nảy nở trên những triền đất phù sa đồng bằng dưới sức lao động của con người. Những sản vật giản dị, đậm đà hương vị không những ẩn chứa các giá trị văn hóa mà nó còn mang ý nghĩa tâm linh sâu sắc
 
   Theo dân gian, bánh chưng hình vuông, có góc cạnh, hình khối cụ thể thuộc âm, tượng trưng cho đất. Bánh dày hình tròn không có góc cạnh, hình khối cụ thể thuộc dương, tượng trưng cho trời nên phải màu trắng, không nhân vị. Bánh chưng âm dành cho mẹ, bánh dày dương dành cho cha. Trên mâm lễ dâng cúng ngày Giỗ Tổ Hùng Vương, bánh chưng biểu tượng cho cha Rồng, bánh dày biểu tượng cho mẹ Tiên, mà theo truyền thuyết, đó là khởi thủy tổ cho cộng đồng Lạc Việt sau này.
 
   Truyện kể rằng vua Hùng thứ 6 có tất cả 22 người con trai, tất cả đều thông minh, văn hay võ giỏi. Trong đó hoàng tử thứ 18 là Lang Liêu chỉ thích trồng trọt. Khi vua già yếu muốn kén người kế vị nhưng không biết chọn ai, Vua phán: Đến ngày hội đầu năm mới ai dâng được của ngon vật lạ nhất để cúng trời đất sẽ được truyền ngôi báu. Các hoàng tử đua nhau lên rừng xuống biển tìm của ngon vật lạ. Riêng chàng hoàng tử Lang Liêu nghĩ mình sẽ dâng cha sản vật từ chính quê hương mình và chàng đã nghĩ ra cách làm một loại bánh tượng trưng cho đất và trời đó là bánh chưng và bánh dày.
 
   “Sự tích bánh chưng bánh dày” không xa lạ với các em nhưng không phải ai trong các em cũng hiểu rõ ý nghĩa đằng sau mỗi câu chuyện. Cô hy vọng rằng sau khi đọc xong cuốn sách các em có thể tự tin phụ giúp ông bà, cha mẹ gói bánh chưng để cúng tổ tiên và thưởng thức trong dịp tết cổ truyền sắp tới. Tự hào hơn, trân trọng hơn những giá trị truyền thống tốt đẹp mà ông cha ta đã để lại.